Một số khái niệm về kiến trúc sinh khí hậu, kiến trúc khí hậu và kiến trúc môi trường

Kiến trúc khí hậu (climatic architecture) và kiến trúc sinh khí hậu (bioclimatic architecture) về nội dung cơ bản cũng chỉ là một. Thiết kế kiến trúc khí hậu là thiết kế quy hoạch hoặc kiến trúc công trình phù hợp nhất với điều kiện khí hậu địa phương.

   Bằng các giải pháp kiến trúc – xây dựng để tận dụng tối đa khí hậu thiên nhiên thuận lợi, đưa thiên nhiên tươi mát, trong lành vào trong nhà, khắc phục những điều kiện không thuận lợi, giảm bớt việc sử dụng các thiết bị nhân tạo, tạo môi trường tốt nhất, vệ sinh nhất trong nhà để con người sinh sống, làm việc, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe. Sinh khí hậu còn gọi là khí hậu sinh vật là khoa học nghiên cứu khí hậu trong tác động đối với con người, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc của họ. Cũng như vậy, kiến trúc khí hậu đã xem xét tác động này của khí hậu khi tìm các giải pháp kiến trúc phù hợp với khí hậu địa phương, bởi vì công trình là chiếc áo thứ ba (bộ da, áo quần, vỏ nhà và khí quyển là bốn chiếc áo) che chở con người. Vì vậy gọi tên kiến trúc sinh khí hậu chỉ là để nhấn mạnh thêm tác động khí hậu tới con người, đưa nó lên thành một khoa học với các nghiên cứu sâu sắc những vấn đề cơ bản về quan hệ khí hậu – vi khí hậu (VKH) – con người, xác định các điều kiện tiện nghi khí hậu và tiện nghi VKH khi đưa ra các chiến lược thiết kế kiến trúc kiểm soát khí hậu, các giải pháp kiến trúc hợp lý cho mỗi vùng khí hậu.

   Kiến trúc môi trường bao hàm một ý nghĩa rộng hơn, xem xét ảnh hưởng qua lại giữa kiến trúc và môi trường, bao gồm khí hậu, ánh sáng, âm thanh, chất lượng môi trường không khí, cũng như ảnh hưởng trở lại của công trình kiến trúc đối với sự biến đổi môi trường khu vực.

   Kiến trúc xanh (thường viết Green Building) – một cách nói khác của kiến trúc môi trường. Xanh ở đây không chỉ là cây xanh, tuy rằng cây xanh có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường.

   Kiến trúc có hiệu quả về năng lượng nhấn mạnh vai trò tiết kiệm năng lượng trong công trình, nhờ đó bảo vệ môi trường sống. Muốn tiết kiệm năng lượng, phải tận dụng tối đa năng lượng tự nhiên, sử dụng các biện pháp thụ động (giải pháp kiến trúc) và chủ động (pin mặt trời, bơm nhiệt,…). Nội dung của nó cũng bao hàm trong kiến trúc môi trường, kiến trúc khí hậu.

   Kiến trúc bền vững không chỉ xét về độ bền lâu của công trình, tuy rằng đó cũng là một nội dung nghiên cứu quan trọng. Đây là bền vững của hệ sinh thái, của môi trường sống và của cả xã hội loài người (việc làm, giáo dục, giải trí, sức khỏe, giao thông,…) cũng là một nội dung nghiên cứu của kiến trúc môi trường, kiến trúc sinh thái.

   Kiến trúc sinh thái xem xét tổng quát hơn và rộng hơn nữa về ảnh hưởng của kiến trúc đến hệ sinh thái khu vực cũng như một vùng lãnh thổ, một quốc gia hay toàn cầu. Trong hệ sinh thái người, có thể xem xét đến cả những yếu tố tinh thần, tập quán, nếp sống, văn hóa, xã hội trong kiến trúc.

   Như vậy các hình thức kiến trúc nêu trên cùng gặp nhau trong vấn đề chung là bảo vệ môi trường sống của địa phương, của quốc gia, của trái đất. Có thể lĩnh vực này nằm trong lĩnh vực khác, có thể rộng hẹp khác nhau, sự tập trung chú ý khác nhau, nhưng bao giờ khí hậu, sinh khí hậu cũng là một trọng tâm chú ý và nghiên cứu. Trong thời đại ngày nay, khi môi trường trái đất bị hủy hoại nghiêm trọng, gây ra những biến đổi khí hậu cục bộ và toàn cầu và cùng với nó là những thảm họa đối với loài người, thì vấn đề kiến trúc và môi trường càng tập trung được sự quan tâm của những người làm công tác kiến trúc – xây dựng toàn thế giới. Bởi vì các công trình xây dựng, quá trình đô thị hóa, tiện nghi cao của cuộc sống trong nhà chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu tàn phá môi trường. Chúng ta thay đất bằng công trình kiến trúc, thay đồng cỏ, đồng lúa, rừng cây bằng thành phố, thị xã, thị trấn, chúng ta tiêu thụ năng lượng ngày một nhiều cho tiện nghi cuộc sống, chúng ta thải vào môi trường khí CO2, nhiệt thừa, các khí độc hại, hơi xăng, khói xe, bụi và khói các nhà máy, hóa chất và thuốc trừ sâu, phóng xạ,…

   Ý thức được trách nhiệm của mình trước sự tồn vong của cộng đồng, của quốc gia, của ngôi nhà chung trái đất, nhiều nhà thiết kế và nghiên cứu kiến trúc trên thế giới đã đề xuất nhiều hướng nghiên cứu nghiêm túc nhằm cảnh báo, thức tỉnh  những đầu óc bảo thủ và vô trách nhiệm, đề xuất những phương hướng có tính chiến lược, tìm kiếm những giải pháp cụ thể và thiết thực để vừa nâng cao chất lượng cuộc sống trong các công trình, vừa giảm đến mức ít nhất sự xâm hại môi trường. Một số quốc gia Âu, Mỹ, Úc đã coi việc thẩm định năng lượng, thẩm định môi trường theo những tiêu chuẩn nhất định là bắt buộc, là “giấy phép” phê duyệt các dự án, các công trình, đặc biệt là các dự án quy hoạch, bởi vì những dự án này có ảnh hưởng quyết định đến môi trường và khó thay đổi một khi đã được phê duyệt.